Thời gian qua, việc quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay vẫn còn một số dự án trên địa bàn tỉnh chưa được quyết toán dứt điểm. Do đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phải tiếp tục bố trí vốn cho 72 dự án quá thời gian bố trí vốn, trong đó, phần lớn là những dự án đã hoàn thành từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa có quyết định phê duyệt quyết toán. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả trong điều hành ngân sách chung của tỉnh.
Để chấn chỉnh tình trạng này, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, như: Không ghi kế hoạch, thanh toán các công trình thi công xong chưa quyết toán; các dự án sẽ được bố trí vốn đạt khoảng 70-90% tổng mức đầu tư, phần còn lại sẽ bố trí sau khi có quyết toán được duyệt. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở KH&ĐT, thực tế trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, chưa triệt để. Cụ thể, đến 31/12/2020, tổng số dự án cấp huyện, xã đã nộp báo cáo, chậm phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành là 4 dự án với tổng mức đầu tư là trên 5,3 tỷ đồng, giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán là 5,001 tỷ đồng; 40 dự án đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán trình cơ quan thẩm tra quyết toán (cấp tỉnh 16 dự án; cấp huyện, xã là 24 dự án) với tổng mức đầu tư là gần 3.600 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tính đến hết tháng 6 có 17 dự án đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán để trình cơ quan thẩm tra quyết toán (cấp tỉnh 10 dự án; cấp huyện, xã là 7 dự án) với tổng mức đầu tư là gần 2.115 tỷ đồng…
Nguyên nhân của việc chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán trong thời gian vừa qua chủ yếu là do công tác nghiệm thu chậm, việc xác định khối lượng đất san lấp, tính thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản bị kéo dài…
Trong quá trình triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để khắc phục tình trạng kéo dài bố trí vốn cho các dự án, cũng như xác định chính xác danh mục các dự án bố trí quá thời gian thực hiện, Sở KH&ĐT đã làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để rà soát lại tất cả các dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Trong đó, điều chỉnh lại thời gian thực hiện 13 dự án theo quy định. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021-2022, Sở KH&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí vốn để xử lý 118 dự án hoàn thành trước năm 2020 chuyển sang giai đoạn 2021-2025 và 58 dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Do đó trong thời gian tới cơ bản sẽ không còn tình trạng phải bố trí vốn quá thời gian theo quy định.
Hiện tại Sở KH&ĐT cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Qua rà soát đến nay, cơ bản chỉ còn các dự án khởi công mới năm 2021, năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 và các dự án khởi công mới năm 2023. Các dự án khác nếu có cũng chỉ là bố trí vốn thanh toán cho khối lượng đã thực hiện như: Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh… và đều nằm trong thời gian bố trí vốn theo quy định.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT: Thực tế cho thấy, quyết toán vốn đầu tư các dự án là nhiệm vụ quan trọng của công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Việc chậm làm các thủ tục phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý vốn, quản lý ngân sách, phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy, để tiếp tục chấn chỉnh cũng như khắc phục tình trạng các dự án hoàn thành còn chậm quyết toán trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào những giải pháp sau: Sở Tài chính cần rà soát tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với các dự án đã hoàn thành nhưng chậm triển khai quyết toán theo quy định. Đặc biệt là các dự án đã hoàn thành nhưng chậm lập hồ sơ quyết toán từ 6 tháng trở lên. Kiên quyết không bố trí vốn cho các dự án nếu quá thời gian thực hiện theo quy định và báo cáo tỉnh phương án xử lý cụ thể đối với các dự án trong thời gian thực hiện nhưng quá thời gian bố trí vốn.
Đối với các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đồng thời xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực thực thi công vụ, chuyên môn nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng, ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức; gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, bình xét thi đua người đứng đầu (chủ dự án, chủ đầu tư) với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án. Thành lập tổ công tác liên ngành để đẩy nhanh công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán; sử dụng chi phí thẩm tra để thuê các đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh thực hiện nghiêm những giải pháp trên, các đơn vị cũng cần công khai danh sách các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm quy định về thời gian quyết toán dự án hoàn thành; xử phạt đối với chủ đầu tư, nhà thầu liên tục vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán công trình; những đơn vị có dự án vi phạm quy định về thời gian quyết toán sẽ không giao dự án đầu tư mới…